THIỆT HẠI DO NGƯỜI LÀM CÔNG, NGƯỜI HỌC NGHỀ GÂY RA, AI LÀ NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG?

THIỆT HẠI DO NGƯỜI LÀM CÔNG, NGƯỜI HỌC NGHỀ GÂY RA, AI LÀ NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG?

 
Tình huống:
A và B là người làm công tại cửa hàng sửa chữa laptop do C là chủ sở hữu. Ngày 20/4/2021, A và B nhận sửa chiếc laptop cho chị X và hẹn 3 ngày sau đến lấy. Lợi dụng thời cơ đó, A và B đã lén đổi một số linh kiện trong chiếc laptop của chị X và thay vào đó những linh kiện tương tự nhưng có chất lượng kém hơn. Sau khi mang về sử dụng, chị X vô tình phát hiện ra một số linh kiện trong chiếc laptop của mình đã bị thay đổi nên đã yêu cầu C có trách nhiệm bồi thường.
Vậy ai là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chị X trong trường hợp trên?
Có thể thấy quan hệ giữa A, B và C là quan hệ sử dụng lao động làm công, trong đó C là người sử dụng lao động làm công, còn A và B là người làm công. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra, Điều 600 BLDS 2015 quy định cụ thể như sau:
“Điều 600. Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra
Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”
Trong trường hợp trên, chị X có quyền yêu cầu C bồi thường thiệt hại cho mình, dù A và B đều có lỗi cố ý nhưng C là người sử dụng lao động làm công nên C phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chị X.
Mà A và B đều có lỗi trong việc gây thiệt hại cho chị X nên họ có nghĩa vụ hoàn trả khoản tiền mà C đã bồi thường cho chị X theo quy định pháp luật. Do đó, C có quyền yêu cầu A và B có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền trên cho C theo phần.
Tuy nhiên, nếu A, B và C thỏa thuận được về việc chỉ có nghĩa vụ hoàn trả cho C một phần thì A và B có nghĩa vụ hoàn trả cho C khoản tiền thấp hơn khoản mà C đã bồi thường cho chị X.
Qua tình huống trên, có thể thấy C là người sử dụng lao động làm công nên C là người có nghĩa vụ quản lý người làm công và chịu trách nhiệm không chỉ trước pháp luật về việc sử dụng lao động làm công mà còn phải chịu trách nhiệm bằng tài sản của chính mình khi người làm công có hành vi gây thiệt hại cho bên thứ ba trong khi thực hiện công việc được giao.
Mặt khác, C chính là chủ thể trong quan hệ hợp đồng với người thứ ba (chị X) và chịu trách nhiệm thực hiện công việc cho chị X thông qua hành vi của A và B. Nói cách khác, C sử dụng lao động làm công để tạo ra hàng hóa vì lợi ích của mình và vì lợi ích của bên thứ ba, còn A và B bán sức lao động của mình theo thỏa thuận, chuyên môn, kinh nghiệm của mình với người sử dụng lao động làm công.
Do đó, người làm công không phải là chủ thể trong quan hệ hợp đồng với người thứ ba, cho nên việc thực hiện đúng, đầy đủ hay không thực hiện, thực hiện không đúng hợp đồng thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động làm công. Người làm công chỉ chịu trách nhiệm đối với người sử dụng lao động làm công.
Vì vậy, khi người làm công có hành vi gây thiệt hại cho người thứ ba thì người sử dụng lao động làm công phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Mọi khó khăn, vướng mắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty Luật Delta để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết.
SĐT: 0767 987 222 - 0354 910 699
Mail: luatdeltavn@gmail.com
Địa chỉ: B18, QL1A, KDC TTVH Tây Đô, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.