SAO KÊ TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG
Mới đây, một nữ doanh nhân khiến mạng xã hội dậy sóng khi cho biết đang nắm giữ 1,9kg giấy sao kê ngân hàng từ tài khoản từ thiện của một nam ca sĩ với số tiền lên tới 96 tỉ đồng. Con số "khủng" 1,9kg giấy sao kê khiến nhiều người không khỏi tò mò về quy trình sao kê tài khoản ngân hàng. Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu như thế nào là sao kê tài khoản ngân hàng? Và người khác có được quyền sao kê tài khoản ngân hàng của mình hay không? Việc để lộ thông tin sao kê tài khoản ngân hàng sẽ bị xử lý như thế nào?
Đầu tiên Sao kê tài khoản ngân hàng là bản sao chi tiết những phát sinh giao dịch của tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tổ chức. Những phát sinh giao dịch này bao gồm tất cả các giao dịch tín dụng ra và vào tài khoản. Sao kê chỉ được thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản và theo các văn bản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sao kê.
Hiện có 2 hình thức sao kê: (tùy vào ngân hàng sẽ có hồ sơ thủ tục sao kê khác nhau)
Sao kê trực tuyến: Khách hàng sử dụng dịch vụ internet banking của ngân hàng có thể tự mình thực hiện sao kê tài khoản để kiểm tra kiểm soát giao dịch từ tài khoản của mình một cách nhanh chóng và chuẩn xác. Bảng sao kê này chỉ có tính chất kiểm soát chứ không thể bổ sung hồ sơ giấy tờ cho các thủ tục hành chính liên quan như: hồ sơ vay, hồ sơ chứng thực tài sản…
Sao kê trực tiếp: Là hình thức khách hàng, ở đây là chủ thẻ, chủ tài khoản yêu cầu ngân hàng sao kê. Bản sao kê được cấp là bản sao kê có chứng thực của ngân hàng.
Căn cứ Điều 10 Nghị định 117/2018/NĐ-CP VỀ VIỆC GIỮ BÍ MẬT, CUNG CẤP THÔNG TIN KHÁCH HÀNG CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI quy định nhóm 10 đối tượng có Thẩm quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng cũng như là các văn bản có liên quan về việc sao kê tài khoản ngân hàng.chi tiết như sau:
Điều 10. Thẩm quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng
Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng phải do các cá nhân sau đây ký:
1. Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra bộ; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra tỉnh; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra sở; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra huyện; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Trưởng đoàn thanh tra; thành viên đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra.
2. Tổng Kiểm toán nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực, Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước.
3. Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Viện kiểm sát quân sự các cấp theo quy định của pháp luật về kiểm sát nhân dân.
4. Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, tỉnh và tương đương, Tòa án quân sự Trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực theo quy định của pháp luật về tòa án.
5. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, điều tra viên các cơ quan điều tra trong hệ thống cơ quan điều tra; cấp trưởng, cấp phó các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật về cơ quan điều tra hình sự.
6. Cấp trưởng, cấp phó các đơn vị nghiệp vụ trong công an nhân dân, quân đội nhân dân theo thẩm quyền quy định của pháp luật về công an nhân dân, quân đội nhân dân.
7. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các cơ quan thi hành án, chấp hành viên đang tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án.
8. Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
9. Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế; Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục Thuế; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
10. Cá nhân khác của cơ quan nhà nước được pháp luật có liên quan quy định có thẩm quyền ký văn bản của cơ quan nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng.
Việc tổ chức tín dụng tự ý cung cấp thông tin sao kê tài khoản ngân hàng thì có vi phạm không?
Trường hợp này tổ chức tín dụng không được phép tự mình cung cấp thông tin sao kê tài khoản ngân hàng cho người khác và tổ chức tín dụng chỉ được phép sao kê tài khoản ngân hàng trong trường hợp khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng. (căn cứ khoản 3 Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành).
Hành vi tự ý sao kê, sử dụng, cung cấp thông tin khách hàng trái pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 40 triệu đồng đối với cá nhân và 80 triệu đồng đối với tổ chức và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự hiện hành khung hình phạt cao nhất lên 07 năm tù.
Mọi khó khăn, vướng mắc về các vấn đề pháp lý liên quan Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty Luật Delta để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết.
SĐT: 0767.987.222 - 0354.910.699
Mail: luatdeltavn@gmail.com
Địa chỉ: B18, QL1A, KDC Trung tâm văn hóa Tây Đô, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.