ĐƯA VẬT THỂ LẠ, BƠM NƯỚC CƯỠNG BỨC HOẶC CÁC CHẤT KHÁC VÀO CƠ THỂ ĐỘNG VẬT TRƯỚC KHI GHIẾT MỔ CÓ THỂ BỊ PHẠT TIỀN LÊN ĐẾN 100.000.000 ĐỒNG

ĐƯA VẬT THỂ LẠ, BƠM NƯỚC CƯỠNG BỨC HOẶC CÁC CHẤT KHÁC VÀO CƠ THỂ ĐỘNG VẬT TRƯỚC KHI GHIẾT MỔ CÓ THỂ BỊ PHẠT TIỀN LÊN ĐẾN 100.000.000 ĐỒNG

 
Thời gian qua, tình trạng bơm nước vào heo hơi và các động vật khác trước khi giết mổ làm tăng ký, ăn gian người tiêu dùng diễn ra ngày càng tăng, với nhiều thủ đoạn phức tạp và có hành vi chống đối ngành chức năng. Đây không chỉ là hành vi gian lận thương mại mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khoẻ của người tiêu dùng.
Ví dụ như: Thông thường 1 con heo có trọng lượng 100 kg, nếu không bơm nước, số lượng thịt cho ra sau khi giết mổ khoảng 75-80 kg, còn bơm nước vào số lượng thịt sẽ tăng lên hơn 90 kg. Bằng hình thức này, các chủ cơ sở kinh doanh thu lợi từ 400.000-500.000 đồng/con. Thịt của heo bị bơm nước sẽ giảm chất lượng, khó bảo quản, không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Chưa kể đến chất lượng nguồn nước dùng để bơm vào thịt heo.
Những hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trước khi giết mổ là hành vi sai trái, gây ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi cũng như người tiêu dùng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hành vi trên. Chính vì thế tại Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ CHĂN NUÔI quy định xử phạt lên đến 100 triệu đồng đối với tổ chức và cá nhân là 50 triệu đồng được quy định cụ thể như sau:
- Hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ bị xử phạt như sau:
  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm dưới 100 kg;
  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 100 kg đến dưới 500 kg;
  • Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 500 kg đến dưới 1.000 kg;
  • Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 1.000 kg trở lên.
Bên cạnh đó tại Điều 29 của Nghị định này thì có quy định thêm các hành vi vi phạm sau đây sẽ bị xử lý vi phạm hành chính như:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
  • Không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ;
  • Đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ;
  • Không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cản trở, phá hoại, xâm phạm trái phép hoạt động chăn nuôi hợp pháp.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
  • Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi phá hoại hoạt động chăn nuôi được quy định tại khoản 3 Điều này;
  • Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
- Biện pháp khắc phục hậu quả
  • Buộc xử lý nhiệt đối với động vật thuộc hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này; trường hợp tái phạm thì buộc tiêu hủy.
 Mọi khó khăn, vướng mắc về các vấn đề pháp lý liên quan Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty Luật Delta để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết.
SĐT: 0767.987.222 - 0354.910.699
 Mail: luatdeltavn@gmail.com
 Địa chỉ: B18, QL1A, KDC Trung tâm văn hóa Tây Đô, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.