CON DẤU CỦA DOANH NGHIỆP ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO TRONG LUẬT DOANH NGHIỆP 2020?

CON DẤU CỦA DOANH NGHIỆP ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO TRONG LUẬT DOANH NGHIỆP 2020?

 
Theo quy định tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014, con dấu của doanh nghiệp được quy định như sau:
“Điều 44. Con dấu của doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin sau đây:
a) Tên doanh nghiệp;
b) Mã số doanh nghiệp.
2. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
3. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.
4. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Tuy nhiên, khi Luật Doanh nghiệp 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 thì đã chính thức bỏ quy định về thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng.
Theo đó, Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về con dấu của doanh nghiệp như sau:
“Điều 43. Dấu của doanh nghiệp
1. Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
2. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
3. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.”
so với quy định về con dấu tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì Luật Doanh nghiệp 2020 đã bỏ quy định “Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp” (khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014).
Như vậy, việc bỏ quy định về thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng đã:
Góp phần trao toàn quyền cho doanh nghiệp quyết định toàn bộ về con dấu của mình, giúp giảm thiểu các hậu quả phát sinh về cách thức quản lý dấu.
Giúp cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp mà còn góp phần giảm thiểu tranh chấp nội bộ của doanh nghiệp.
Từ trước đến nay, nhiều tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp kéo dài và không thể giải quyết dứt điểm do con dấu bị chiếm giữ bởi một bên, dẫn đến việc doanh nghiệp không thể làm dấu mới để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các bên tranh chấp mà còn khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngừng trệ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Mặt khác, việc “lạm dụng” dấu trong nhiều trường hợp làm cho giao dịch kém tính khả thi, do các bên bỏ qua việc nghiên cứu, tìm hiểu năng lực đối tác khi ký hợp đồng mà chỉ dựa vào việc đóng dấu, lợi dụng con dấu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của đối tác.
Mọi khó khăn, vướng mắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty Luật Delta để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết.
SĐT: 0767 987 222 - 0354 910 699
Mail: luatdeltavn@gmail.com
Địa chỉ: B18, QL1A, KDC TTVH Tây Đô, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.