CỐ Ý VƯỢT TRẠM KIỂM DỊCH, CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ SẼ BỊ PHẠT TÙ LÊN ĐẾN 07 NĂM
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Chính phủ cũng như các cơ quan ban ngành đã ra sức tuyên truyền phổ biến về dịch bệnh Covid-19 cũng như áp dụng các biện pháp như: lập các điểm cách ly, các chốt khai báo y tế, phong tỏa khu vực có người nhiễm bệnh (F0) nhằm mục đích kiểm soát người, phương tiện ra vào các khu vực và hạn chế việc lây lan dịch bệnh ở diện rộng. Nhưng có một số đối tượng vẫn không chấp hành nghiêm việc khai báo y tế qua các chốt chặn hoặc trốn ra khỏi khu phong tỏa, khu cách ly, mà còn có thái độ xem thường pháp luật, bên cạnh đó các đối tượng này còn hành hung, đe dọa, thậm chí là dùng hung khí để chống trả với lực lượng đang làm nhiệm vụ.
Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu xem như thế nào là người thi hành công vụ và hành vi chống người thi hành công vụ là những hành vi gì nhé?
- Căn cứ khoản 1 Điều 3 NGHỊ ĐỊNH 208/2013/NĐ-CP thì người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
- Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này hành vi chống người thi hành công vụ được định nghĩa là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.
Hành vi chống người thi hành công vụ đều được coi là hành vi vi phạm pháp luật, dẫn đến hệ quả là người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015, bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về mức phạt đối với hành vi chống người thi hành công vụ như sau:
Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
• Có tổ chức;
• Phạm tội 02 lần trở lên;
• Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
• Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;
• Tái phạm nguy hiểm.
Và khi hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý hành chính.
Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
• Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;
• Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
• Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
• Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ;
• Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;
• Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.
Mọi khó khăn, vướng mắc về các vấn đề pháp lý liên quan Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty Luật Delta để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết.
SĐT: 0767.987.222 - 0354.910.699
Mail: luatdeltavn@gmail.com
Địa chỉ: B18, QL1A, KDC Trung tâm văn hóa Tây Đô, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.