BÁN HÀNG ONLINE CÓ CẦN ĐĂNG KÝ KINH DOANH KHÔNG?

BÁN HÀNG ONLINE CÓ CẦN ĐĂNG KÝ KINH DOANH KHÔNG?

 
     Đây là câu hỏi của hầu hết mọi người khi nhắc đến các hoạt động mua bán hàng online trên mạng xã hội. Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của internet và sự ra đời của các sàn thương mại điện tử mà việc mua sắm online đã trở nên tiện lợi và dễ dàng hơn bất kì lúc nào, bất kì nơi đâu chỉ bằng vài thao tác đơn giản.
      Vậy bán hàng online có cần đăng ký kinh doanh không?
      Trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ đề cập tới các đối tượng của của thị trường kinh doanh online. Những người này thuộc 02 nhóm đối tượng chủ yếu sau đây: Nhóm thứ nhất là những bà mẹ bỉm sữa, những bạn sinh viên kinh doanh với quy mô nhỏ để kiếm thêm chút ít thu nhập. Nhóm thứ hai là những chủ shop thời trang; mỹ phẩm; đồ ăn; thức uống;… Và trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ không đề cập tới những trang thương mại điện tử phổ biến hiện nay như Shopee, Tiki, Lazada… Bởi để có thể hoạt động, các sàn giao dịch thương mại điện tử trên phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật.
Những đối tượng nào không phải đăng ký kinh doanh?
     Ở Việt Nam, chúng ta dễ dàng phát hiện những mô hình kinh doanh siêu nhỏ mà đại diện tiêu biểu là những gánh hàng rong, những xe bán hàng trên các vỉa hè vẫn tồn tại rộng khắp trên cả nước. Tuy nhiên, khi internet và mạng xã hội phát triển rộng rãi thì những người bán hàng online xuất hiện ngày một nhiều hơn.
     Ở nước ta, việc đăng ký kinh doanh nhằm mục đích phục vụ cho công tác quản lý của các cơ quan nhà nước được dễ dàng, đồng thời cũng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Nhưng trên thực tế, nếu dựa vào quy mô, tính chất của các mô hình kinh doanh siêu nhỏ này thì nhà nước sẽ không thể nào quản lý hết được. Mặt khác, cũng vì quy mô nhỏ nên đa số doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh không đáng kể. Vì vậy, pháp luật đã quy định miễn đăng ký kinh doanh với một số đối tượng nhất định. Cụ thể tại Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP Về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh, quy định như sau:
“1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.”
Dựa vào tính chất và đặc điểm của mô hình kinh doanh online, do mô hình này không có địa điểm, trụ sở cố định hoặc là những hoạt động kinh doanh hàng hóa theo chuyến với quy mô không nhiều và tần suất không thường xuyên, chúng ta có thể thấy hoạt động kinh doanh online với quy mô nhỏ lẻ có thể được quy vào các đối tượng thuộc điểm b, d, e tại quy định nêu trên. Nếu thuộc một trong những trường hợp này thì mọi người có thể kinh doanh mà không cần đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn luôn khuyến khích người dân đã, đang hoặc sẽ khởi nghiệp kinh doanh thì nên đăng ký kinh doanh để có được đầy đủ những quyền lợi chính đáng khi hoạt động và tránh được rủi ro về những khoản phạt không đáng có.
Những đối tượng nào thuộc trường hợp phải đăng ký kinh doanh?
Những trường hợp kinh doanh online có quy mô lớn, số lượng hàng hóa kinh doanh nhất định; có tần suất thường xuyên; hoặc sau một thời gian bán hàng online muốn phát triển thêm bằng việc mở cửa hàng thì thuộc các trường hợp phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật.
Nếu không đăng ký kinh doanh thì sẽ phải chịu những chế tài xử phạt của cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể theo quy định tại Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định như sau:
“Điều 6. Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh;
b) Cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng giấy phép kinh doanh;
c) Thuê, mượn, nhận cầm cố, nhận thế chấp, mua, nhận chuyển nhượng giấy phép kinh doanh.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng phạm vi, đối tượng, quy mô, thời hạn, địa bàn, địa điểm hoặc mặt hàng ghi trong giấy phép kinh doanh được cấp.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định;
b) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi giấy phép kinh doanh được cấp đã hết hiệu lực;
c) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định trong quá trình hoạt động kinh doanh;
d) Sử dụng giấy phép kinh doanh của thương nhân khác để kinh doanh.
4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.
5. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 4 Điều này đối với đối tượng hoạt động sản xuất rượu công nghiệp; chế biến, mua bán nguyên liệu thuốc lá; sản xuất sản phẩm thuốc lá; kinh doanh phân phối, bán buôn rượu hoặc sản phẩm thuốc lá thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2, 3, 4 Điều này.”
Căn cứ pháp lý:
• Nghị định 39/2007/NĐ-CP Quy định Về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.
• Nghị định 98/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực ngày 15/10/2020).
Mọi khó khăn, vướng mắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty Luật Delta để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết.
SĐT: 0767 987 222 - 0354 910 699
Mail: luatdeltavn@gmail.com
Địa chỉ: B18, QL1A, KDC TTVH Tây Đô, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.